Thông tin liên lạc

Địa chỉ

20/4 đường nội khu Symphony, khu phố Phú Mỹ Hưng Midtown, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 70000, Việt Nam

Hotline

0902898953

Email

info@vietnamzerowaste.vn
Vận hành lò hơi công nghiệp

Bài viết ngày hôm nay cung cấp cho quý khách hàng 3 bước vận hành lò hơi công nghiệp – một thiết bị chuyên dụng trong công nghiệp sản xuất.

Thông tin quan trọng

Cách vận hành lò hơi công nghiệp gồm nhiều thao tác phức tạp nhưng dựa trên cấu tạo và nguyên lý lò hơi chung quy lại sẽ diễn ra 3 bước. Ban đầu là công tác chuẩn bị thật kỹ lò trước khi khởi động máy, sau đó đưa hệ thống hoạt động ổn định và cuối cùng là dừng lò.

Bước 0: Công tác chuẩn bị vận hành lò hơi công nghiệp

Chuẩn bị vận hành lò hơi
Chuẩn bị vận hành lò hơi

Sấy và kiềm lò hơi

Sấy và kiềm lò là bước được tiến hành trong khâu chuẩn bị lò hơi lẫn khởi động. Bước này giúp lò hơi công nghiệp được làm sạch các cáu cặn, xỉ thải, rỉ sắt, dầu mỡ bám trên bề mặt phía trong của lò. Phần gạch, vữa hoặc bảo ôn của lò cũng cần được sấy khô.

Thông thường, người ta sẽ sử dụng các loại hóa chất để kiềm tò như: NaOH 3 – 4% và Na3PO4 2 – 3% (nồng độ được tính so với nước). Sau đó pha loãng dung dịch có nồng độ 20% mới được sử dụng.

Các bước sấy và kiềm lò diễn ra như sau:

  • Bơm dung dịch hóa chất đã pha loãng vào lò, mở van xả le để khí được thoát ra ngoài.
  • Cấp nước vào nồi, đảm bảo nước chạm vạch cao nhất của ống thủy. Sau đó tiến hành các công việc khác trong bước chuẩn bị sẽ được giới thiệu bên dưới.

Kiểm tra hệ thống lò hơi 

Kiểm tra cơ sở hạ tầng

Trước khi vận hành lò hơi, chúng ta cần thực hiện các bước sau để đảm bảo an toàn và hiệu suất của quá trình hoạt động:

  • Đảm bảo tiến hành vệ sinh và dọn dẹp khu vực xung quanh lò hơi để tạo không gian thông thoáng.
  • Kiểm tra các loại nhiên liệu như than, biomass, khí đốt, dầu,…đã sẵn sàng để đốt chưa.
  • Kiểm tra lượng nước cấp vào lò hơi có đầy đủ chưa. Nếu chưa thì cần bổ sung lượng nước trước khi vận hành lò hơi công nghiệp.
  • Đảm bảo đã kiểm tra mực nước an toàn đến vị trị được đánh dấu trên ống thủy. Nếu mực nước thấp thì cần bổ xung, hoặc ngược lại, nếu mực nước cao thì nên xả bớt.
  • Sau đó, chúng ta tiến hành kiểm tra nguồn điện có đủ pha đủ áp không.

Kiểm tra các thiết bị, phụ kiện

Sau khi đảm bảo cơ sở hạ tầng đã được kiểm tra đầy đủ và tình trạng ổn định, có thể sẵn sàng cho quá trình vận hành lò hơi. Hãy kiểm tra tiếp các thiết bị, phụ kiện sau:

  • Kiểm tra các loại bơm (gồm bơm tay và bơm điện), van, bình cấp nước trung gian. các dàn ống, bể chứa nước, đảm bảo chúng đã được lắp rán chỉn chu và đúng yêu cầu kỹ thuật.
  • Các loại van nên hoạt động tốt, được đóng kín và dễ dàng đóng mở khi cần. Van an toàn cũng phải được chỉnh áp suất hoạt động theo quy định. Chẳng hạn van làm việc chỉnh ở mức Plv+ 0,2KG/cm2 và van kiểm tra chỉnh ở mức Plv+ 0,3KG/cm2.
  • Ngoài ra, các thiết bị đo lường và an toàn phải được lắp ráp đạt yêu cầu kỹ thuật. Áp kế hoạt động bình thường là phải có vạch chỉ đỏ đang chỉ vào mức áp suất làm việc tối đa. Ống thủy ổn định là phải có vạch chỉ đỏ đang chỉ ở mức nước ngang ống thủy. Mức nước cao nhất và thấp nhất cách mức nước trung bình là ± 50 mm.
  • Tiếp tục xem xét đến bộ phận nồi hơi, khu vực chịu áp lực có đang ở trạng thái bình thường không.
  • Ngoài ra, luôn đảm bảo đã chuẩn bị các dụng cụ như: Xà beng đầu hình mũi giáo dài 2m, Xẻng hai rằng dài 1.5m, Cào 1.5m, Búa con, Mỏ lết, Clê,…
  • Cuối cùng là kiểm tra một số thiết bị đo lường như đồng hồ đo nhiệt, đồng hồ đo áp, đồng hồ đo lưu lượng hơi nóng. Hãy chắc chắn chúng đạt thông số kỹ thuật tương ứng với công suất lò hơi.

Bước 1: Khởi động lò hơi công nghiệp

Khởi động lò hơi công nghiệp
Khởi động lò hơi công nghiệp
  • Mở nguồn cấp điện chính.
  • Tiến hành cấp nhiên liệu vào buồng đốt. Tùy hệ thống mà quá trình này diễn ra thủ công hoặc tự động.
  • Mở van khóa nước 2 chiều, cho nước chảy vào lò đến mức thấp nhất của ổng thủy.
  • Sau đó xả hết nước động.
  • Đóng van cấp hơi chính và mở van xả khí để cho khí đi ra ngoài.
  • Bật quạt hút để thổi toàn bộ khí đang bị đọng lại trong buồng đốt.
  • Cấp thêm nước cho buồng đốt.
  • Mở van hệ thống ống tái tuần hoàn nhằm mục địch làm mát hệ thống hâm nước.
  • Bật quạt cấp khí.
  • Đợi cho đến khi áp suất đạt 1 – 1.5 atmosphe, thì tiến hành bước vận hành lò hơi ổn định.
  • Nhóm lò.

Nhóm là cũng là một thao tác khá quan trọng trong quá trình vận hành lò hơi, trước khi nhóm lò ta cần chú ý những điều sau:

  • Đóng: Van xả, van an toàn, van hơi.
  • Mở: Van cấp nước, van xả khí, van 3 ngả của áp kế, van lưu thông với ống thủy.
  • Nguồn điện trong tủ đèn báo hiệu nên được đóng lại.
  • Đảm bảo nước trong bể nước mềm được bơm đủ, nếu nước cạn thì không thể tiến hành khởi động lò hơi được.
  • Mở cửa thông gió khoảng 15 phút.
  • Cấp liệu cho buồng đốt:
    • Củi: Nên rải một lớp củi vụn, dễ bắt lửa bên dưới lớp củi to.
    • Than: Lót một lớp than mỏng xung quang buồng đốt. Ở giữa nên chất củi khô.

Tiến hành nhóm lò:

  • Sử dụng giẻ khô tẩm dầu để làm vật mồi lửa rồi đưa vào lò hơi. Sau khi củi đã cháy kiệt và làm than bên dưới cháy đỏ, ta lại tiếp tục phủ một lớp than khác lên trên.
  • Đóng cửa lò để giảm lượng không khí thổi vào buồng đốt. Quá trình nhóm lò như thế này có thể tốn 40 phút.
  • Khi lò hơi bắt đầu sản sinh hơi nước, ta đóng các van lại để tăng sức hút và cải thiện quá trình cháy. Kiểm tra tình trạng các van, ống thuỷ và đảm bảo áp suất hơi nằm trong khoảng từ 1 đến 1,5 kG/cm2.
  • Trường hợp áp suất lò đạt 2 kG/cm2, ta nên thận trọng dùng cờ lê tay ngắn vặn chặn các đai ốc trong phạm vi lò hơi.
  • Khi áp suất lò đạt đỉnh điểm, ta tiến hành mở van hơn, van nước nối giữa lò hơi và bình cấp nước để kiểm tra hệ thống cấp nước.
  • Nếu nước được cấp vào lò bình thường, ta có thể nâng áp suất lò lên đến mức áp suất giới hạn. Khi đạt được mức áp suất này, ta nên kiểm tra sự hoạt động của lò và đảm bảo van an toàn làm việc.
  • Công việc vận hành lò hơi công nghiệp được kết thúc khi đưa áp suất lò lên đến áp suất giới hạn và kiểm tra hoạt động của lò

Bước 2: Vận hành lò hơi công nghiệp ổn định

Vận hành lò hơi ổn định
Vận hành lò hơi ổn định

Chế độ đốt lò

Một chế độ đốt lò đúng sẽ hỗ trợ quá trình cấp hơi diễn ra trơn tru. Tức là lò hơi phải ở trạng thái nhiên liệu được đốt cháy kiệt, ít khói đen. Nếu khói đen nhiều thì cần cấp thêm gió để tăng lực hút. Nhưng nếu không có hoặc ít khói thì nên giảm bớt sức hút. Còn khói màu xám, ra đều thì chế độ đốt đang tốt.

Nhiên liệu cấp vào buồng đốt phải rải đều và cho từng lượng vừa phải để duy trì quá trình cháy. Các thao tác cấp nhiên liệu hay cào, thải xỉ cần được thực hiện nhanh.

Chú ý: Chiều cao lớp nhiên liệu chỉ nên dao động khoảng 300mm và thường xuyên quan sát độ cháy của lò.

Cấp hơi

Cấp hơi khi áp suất của lò gần đạt mức tối đa và chế độ đốt cần ổn định. Nên xả bớt nước nếu mực nước trong lò cao hơn mức bình thường để tránh tình trạng hơi lẫn nước.

Quá trình cấp hơi như sau:

  • Mở từ từ van hơi chính để một lượng hơi vừa đủ làm nóng các ống dẫn cũng như xả hết nước động. Quá trình này thực hiện từ 10 – 15 phút.
  • Trong lúc đó cũng cần quan sát hệ thống ống dẫn dãn nở như thế nào. Nếu thấy độ dãn nở bình thường thì mỡ van hơi chính hết cỡ để cấp hơi cho lò.

Cấp nước

Nước cấp vào lo nên có độ cứng toàn phần dưới 0,5mgđl/lít: PH = 7÷10.

Luôn đảm bảo mực nước không quá thấp hoặc quá cao trong khoảng thời gian vận hành lò hơi. Việc để lò hơi hoạt động quá lâu trong tình trạng nước vượt giới hạn sẽ khiến quá trình vận hành gặp trục trặc.

Hệ thống lò hơi có bố trí thêm thiết bị bơm tay hoặc bơm điện có lưu lượng lớn hơn hoặc bằng 0,3m3/h và áp lực không nhỏ hơn áp lực làm việc + 1kg/cm2.

Chế độ xả bẩn

Xả bẩn bao gồm các hoạt động xả thải xỉ trong đường hơi và các cáu cặn trong lò hơi. VIệc xả bẩn có thể tiến hành thủ công bằng van tay trực tiếp hoặc xả định kỳ tự động qua van xả cốc ngưng.

Số lần xả bẩn sẽ phụ thuộc vào chế độ nước cấp. Chẳng hạn, nước cấp cứng, có độ kiềm cao thì số lần xả cặn sẽ nhiều hơn. Thông thường, ở tình trạng lý tưởng, xả cận diễn ra 2 lần, mỗi lần 2 – 3 hồi, mỗi hồi 10 – 15 giây.

Bước 3: Ngừng vận hành lò hơi

Ngừng vận hành lò hơi
Ngừng vận hành lò hơi

Các bước ngừng lò thông thường

  • Van cấp và xã hơi được đóng hoàn toàn, giảm dần áp suất của lò hơi, nâng mực nước của lò lên vị trí cao nhất của ống thủy.
  • Không cấp nhiên liệu và buồng đốt, đóng hoàn toàn cửa tro và lá chắn khói.
  • Để nhiệt độ trong lò nguội từ từ dưới sự giám sát của chuyên viên vận hành.
  • Tháo nước để vệ sinh lò. Lưu ý rằng chỉ khi áp suất trở về không và nhiệt độ nước chỉ còn 70 – 80 độ C mới tiến hành tháo nước.

Ngừng vận hành do gặp sự cố lò

  • Bấm chuông báo động để ngừng lò khẩn cấp.
  • Lập tức ngưng cấp liệu và tắt quạt gió.
  • Đóng van cấp hơi chính.
  • Cào nhiên liệu đang cháy ra khỏi lò nhanh nhất có thể. Tuyệt đối không được dùng nước để dập.
  • Trừ sự cố cạn nước, còn lại nên cấp đầy nước vào lò.
  • Cho lò nguội từ từ dưới sự giám sát của chuyên viên vận hành.

Các sự cố vận hành nồi hơi công nghiệp có thể kể tên như:

  • Lò bị cạn nước/ đầy nước nghiêm trọng.
  • Các thiết bị như ống sinh hơi, bộ quá nhiệt, ống thủy bị vỡ.
  • Tường lò bị đổ, đuôi lò bị cháy.

Kết luận

Trên đây là hướng dẫn vận hành lò hơi và có các lưu ý đáng lưu tâm. Tuy nhiên, việc vận hành lò hơi có thể khá phức tạp và người vận hành cần có sự hiểu biết và chuyên môn cao về nguyên lý và cấu tạo lò hơi công nghiệp. Hãy đảm bảo đã nắm vững trình tự vận hành trước khi bắt tay vào thực hiện.

5/5 - (2 bình chọn)