Trong thời kỳ khó khăn khi chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch toàn cầu – Covid 19, mặc dù đã gây ra nhiều trở ngại với phần lớn các hoạt động, đặc biệt là kinh tế, song vẫn không thể phủ nhận những mặt tích cực mà con người có được khi phải sống trong cảnh cách ly toàn xã hội. Theo Bộ Công thương Việt Nam, đại dịch đã mang lại cơ hội để con người có thể nhận thức được tầm quan trọng của sự bền vững hóa trong sản xuất lẫn tiêu dùng. Điều này không những khích lệ các cá nhân thay đổi cách nhìn về vấn đề môi trường mà còn khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và mang lại giá trị cộng đồng.
Ngành công nghiệp năng lượng:
Bởi ‘năng lượng không là vô tận’ (Phúc Trường Hải 2021), nên phát triển bền vững đóng vai trò rất quan trọng trong loại hình công nghiệp này. Thực tế là, khi nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày dần cạn kiệt và tạo ra lượng phát thải cacbon lớn. Theo ước tính của LHQ, đến năm 2050, CO2 và các khí gây ô nhiễm khác phải được giảm từ 50-85% mới có thể ngăn được những ảnh hưởng nghiêm trọng khó dự đoán. Việc này cho thấy, các doanh nghiệp năng lượng nên có những phương án mới để góp phần cải thiện tình hình gấp rút của toàn cầu. Vì vậy, phát triển bền vững chính là chìa khóa mở ra lối đi mới và dẫn đến thành công ở thời điểm hiện tại và về lâu dài cho các doanh nghiệp.
Phát triển bền vững trong việc sản xuất năng lượng:
Hiện tại, khi nhu cầu sử dụng năng lượng tăng, việc sản xuất cũng theo tỉ lệ thuận tăng dần. Đối với các đơn vị sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than, dầu hoặc khí tự nhiên, sẽ phải đẩy mạnh năng suất khai thác nhiều hơn. Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, việc khai thác sẽ khó có thể thực hiện bởi tình hình bệnh dịch đang diễn biến phức tạp ở mọi nơi. Không những thế, việc khai thác nguồn nhiên liệu hóa thạch không chỉ tốn thời gian mà còn mang lại ảnh hưởng nghiêm trọng lên môi trường bởi lượng cacbon lớn thải ra khí quyển trong quá trình khai thác. Điều này cho thấy sự bất bền vững trong vòng tuần hoàn của việc sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Giải pháp:
Tuy nhiên, một nguồn nhiên liệu không xa lạ khác không những mang lại hiệu quả cao mà còn có thể đáp ứng phát triển bền vững. Đó chính là nguyên liệu sinh khối – biomass, bao gồm những sản phẩm lâm nghiệp và phụ phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa, gỗ. Ngoài ra, năng lượng còn có thể được sản xuất từ những loại phế phẩm công nghiệp như vải, giấy,… Có thể thấy, việc sử dụng rác thải để sản xuất năng lượng là một bước quan trọng trong việc kết thúc vòng lặp và từ đó đạt được sự phát triển bền vững.