Thông tin liên lạc

Địa chỉ

20/4 đường nội khu Symphony, khu phố Phú Mỹ Hưng Midtown, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 70000, Việt Nam

Hotline

0902898953

Email

info@vietnamzerowaste.vn
Nhiên liệu xanh Biomass

Hiện nay, nguồn nhiên liệu từ sinh khối đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp dệt may nhờ tính hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, đối với đặc thù nhiều công đoạn sản xuất cần nguồn năng lượng liên tục, ổn định như lò hơi, các nhà máy cũng đang đứng trước những băn khoăn khác về việc chuyển đổi sang một nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch truyền thống, nhưng phải đảm bảo được đồng bộ các tiêu chí: ổn định, sạch, bền vững và chi phí cạnh tranh.

Tổng quan về sinh khối (Biomass) tại Việt Nam

Sinh khối (Biomass) được giới thiệu như là nguồn năng lượng mới có khả năng đáp ứng gần như đầy đủ các tiêu chí kể trên cho hệ thống lò hơi bởi tính chất trung hòa Cacbon từ đặc điểm sinh học của mình. Với lợi thế là một nước nông – lâm nghiệp trải dài từ Bắc đến Nam và điều kiện khí hậu thuận lợi, Việt Nam có những ưu thế lớn về nguồn sinh khối đa dạng chủng loại và mùa vụ như: trấu, rơm rạ, mùn cưa, dăm bào, dăm gỗ, vỏ hạt các loại…với trữ lượng ước tính lên đến 118 triệu tấn/năm, tương đương 30 triệu tấn dầu/năm quy đổi.

Nhiên liệu xanh - Zero Waste
Nhiên liệu xanh – Zero Waste

Hiện tại cách thức giao dịch mua bán sinh khối tại Việt Nam tương đối đa dạng và có sự khác biệt về giá cả. Thị trường đang tự điều tiết chủ yếu dựa trên cung cầu, theo tính mùa vụ, khoảng cách vận chuyển và tổ chức khá sơ khai…chứ chưa xây dựng được một mặt bằng giá chuẩn cho nhiên liệu. Hình thức giá mang tính đại diện nhất là giá viên nén xuất khẩu (wood pellets) hoặc dăm gỗ xuất khẩu (wood chips). Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ hai thế giới với khoảng 5 triệu tấn/năm (2022).

Tiềm năng của nguồn sinh khối trong ngành dệt may

Tiềm năng sinh khối sử dụng làm chất đốt được đánh giá rất lớn nhưng hiện tại mức độ khai thác của ngành dệt may chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Điều này lại có vẻ như là một nghịch lý trong bối cảnh ngành dệt may đang đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, tăng cường việc chuyển đổi sử dụng sinh khối thay nhiên liệu hóa thạch.

Nguồn sinh khối sạch đang xuất khẩu ra nước ngoài trong khi đó các nhà máy lại nhập than cám, than cục để sử dụng cho lò hơi. Vì vậy, nếu doanh nghiệp dệt may có thể đẩy mạnh sử dụng nguồn sinh khối có sẵn trong nước thì các nhà sản xuất viên nén gỗ, dăm gỗ xuất khẩu sẽ dần hướng về thị trường nội địa với nhiều lợi thế về thanh toán, ổn định và an toàn, tránh được những tình cảnh bấp bênh về đơn hàng, biến động giá như thị trường xuất khẩu giai đoạn gần đây.

Tiềm năng của nguồn sinh khối trong tương lai
Tiềm năng của nguồn sinh khối trong tương lai

Các nhà máy có quyền chủ động chọn lựa hình thức sinh khối phù hợp với đặc thù sản xuất của mình. Có những dạng sinh khối như viên nén gỗ xuất khẩu có chi phí sản xuất hơi nước cao hơn than (20 – 30%) nhưng ngược lại mùn cưa, trấu, dăm gỗ, vỏ hạt…có chi phí thấp hơn khá nhiều. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn lợi thế từ sinh khối để góp phần xanh hóa ngành dệt may Việt Nam không chỉ dừng lại đơn thuần ở việc chuyển đổi nhiên liệu từ loại này sang loại khác mà còn là việc sử dụng công nghệ lò hơi nào để phát huy tối đa hiệu quả của nguồn sinh khối này.

Hệ thống lò hơi ngành nhuộm

Hệ thống lò hơi công nghiệp luôn được ví như trái tim của nhà máy nhuộm, do vậy những tác động, thay đổi hệ thống này luôn được chủ doanh nghiệp xem xét kỹ càng, cẩn trọng vì nó đánh đổi bằng hiệu quả và tính ổn định của sản xuất. Trước đây, với trình độ công nghệ cơ khí trong nước chưa phát triển, đa phần các nhà máy lựa chọn công nghệ lò hơi ghi xích nhập khẩu và đốt than là chủ yếu, chi phí nhiên liệu tương đối thấp, thị trường cũng tương đối dễ tính và những quy định về môi trường, khí thải chưa siết chặt.

Do vậy, mặc dù nhận thấy có nhiều sự hạn chế như hiệu suất thấp (70 – 75%), chi phí thay thế ghi xích cao, không đảm bảo môi trường, xử lý tro xỉ tốn nhiều chi phí…nhưng sức ép phải thay đổi công nghệ lò hơi không quá lớn.

Công nghệ lò hơi tầng sôi – giải pháp tối ưu nhiên liệu xanh

Hiện nay, nhiều công ty chế tạo lò hơi lớn như PTH Boiler, Mạc Tích đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ lò hơi, đặc biệt là công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) đốt sinh khối, hiệu suất lên đến 85% với tỷ lệ nội địa hóa cao, tùy biến phù hợp đặc thù nhiên liệu sinh khối địa phương. Đây cũng là công nghệ lò hơi đang được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản, Trung Quốc… Điều này sẽ giải quyết những băn khoăn của nhà máy về thời gian lắp đặt, bảo trì, bảo hành được liên tục và đồng bộ, tạo nên sự yên tâm khi sử dụng lò hơi của các đơn vị trong nước.

Công nghệ lò hơi tầng sôi
Công nghệ lò hơi tầng sôi

Ưu điểm của công nghệ tầng sôi tuần hoàn là tập trung xử lý nguồn gốc phát sinh ô nhiễm trong quá trình đốt. Cụ thể, khí CO2 được sinh ra trong quá trình đốt sẽ được triệt tiêu khi nhiệt độ buồng đốt luôn duy trì từ mức 800 độ C trở lên, đảm bảo đốt cháy kiệt cũng như mang lại hiệu quả về chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, hệ thống thu gom bụi hiện đại bao gồm cyclone tổ hợp hiệu suất cao (multi – cyclone) và lọc bụi bằng túi vải (bag – filter), có thể trang bị thêm bể dập bụi ướt (wet-scrubber) đảm bảo khí thải và tro xỉ luôn được kiểm soát hiệu quả, đáp ứng các chỉ tiêu khắt khe của môi trường và làm giảm tối đa việc phát thải thứ cấp.

Mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO) trong tương lai

Bên cạnh giải pháp tự đầu tư và vận hành lò hơi sinh khối, các doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc thêm sử dụng mô hình bán hơi của các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO). Đây là một giải pháp khá phổ biến và linh hoạt tại Việt Nam hiện nay, phù hợp với các doanh nghiệp FDI. Điển hình là nhà máy sản xuất vải Việt Thái Tech (liên doanh của Việt Tiến – Newtech và Luenthai) tại Bình Dương – nhà máy đạt chứng chỉ LEED của Mỹ, đã chuyển đổi sang sinh khối cho lò hơi khi sử dụng giải pháp mua lò hơi từ công ty Việt Nam Zero Waste.

Trong tương lai, mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO) cần được phát triển mạnh tại các Khu/Cụm công nghiệp dệt may tập trung, đặc biệt phù hợp với các Khu công nghiệp mới được quy hoạch hiện đại, đồng bộ hạ tầng ngay từ đầu. Khi đó, các nhà đầu tư mới sẽ nhận được thêm tiện ích mới từ việc sử dụng năng lượng sinh khối một cách tập trung và hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn bằng việc chuyển hóa rác thải dệt may phối trộn với sinh khối để sản xuất hơi – nhiệt và điện mà không bận tâm nhiều đến việc lựa chọn công nghệ lò hơi, chi phí năng lượng, quản lý khí thải cũng như nguồn nhiên liệu có phù hợp không đối với các cam kết với các nhãn hàng và người tiêu dùng.

Xã hội đang biến chuyển một cách nhanh chóng và doanh nghiệp dệt may đang đứng trước muôn vàn thách thức từ quá trình phục hồi hậu Covid, suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng và đặc biệt là yêu cầu càng khắt khe của người tiêu dùng thể hiện thông qua các nhãn hàng. Những thách thức to lớn này buộc các doanh nghiệp phải thực sự thay đổi, chú trọng đến các giá trị bền vững cho xã hội để tồn tại và phát triển.

Một sự chung tay, quyết tâm chuyển dịch đồng bộ và hài hòa lợi ích đến từ bản thân doanh nghiệp, người mua, khách hàng cùng với các tổ chức, hiệp hội ngành hàng và Chính phủ trong việc đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sinh khối sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp cho ngành dệt may Việt Nam, tạo nên những lợi thế khác biệt và góp phần xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.

Đánh giá bài viết